Menu
Triệu Đà – Kẻ Xâm Lược Hay Vị Vua Có Công Của Việt Nam?

Triệu Đà – Kẻ Xâm Lược Hay Vị Vua Có Công Của Việt Nam?

Triệu Đà

Triệu Đà là người khởi đầu cho sự cai trị của dòng họ Triệu lên nhà nước Nam Việt trong giai đoạn từ năm 204 TCN đến 111 TCN. Ông là người đã đánh bại An Dương Vương và sáp nhập Âu Lạc vào nhà nước Nam Việt. Chúng ta được biết đến Triệu Đà nhiều hơn qua truyền thuyết Trọng Thủy – Mỵ Châu. Triệu Đà có nguồn gốc là người Hán từ Trung Quốc. Ông được nhà Tần cử xuống cai trị phương Nam. Nhưng sau này nhà Tần suy yếu nên ông đã làm phản lại và tách ra cát cứ. Như vậy, từ những góc độ khác nhau, các nhà sử học đã có những tranh luận về sự chính thống của nhà Triệu trong các triều đại vua của Việt Nam. Những người nổi tiếng công nhận nhà Triệu như Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi,… Một số nhà sử học khác đời Hậu Lê lại phủ nhận nó như Ngô Thì Sĩ, hay nhà thơ Tố Hữu cũng từng gọi là giặc.

Triệu Đà – Triệu Vũ Đế

Triệu Đà (257 TCN – 137 TCN) vốn là người nhà Hán. Quê ông ở Hằng Sơn (tỉnh Hà Bắc thuộc Trung Quốc hiện nay). Ông là một vị Tướng của nhà Tần. Ông được lệnh Tần Thủy Hoàng dẫn quân Nam tiến, chiếm đoạt các vùng đất của dân Bách Việt xưa. Sau khi Triệu Đà đánh bại các bộ tộc ở phía Nam, mà điển hình là Lạc Việt. Nhà Tần bị diệt vong. Nhân thấy triều đình bị sụp đổ, ông đã tách ra và xưng Đế, quy phục nhà Hán (Tuy là chư hầu nhưng trong nội bộ ông vẫn xưng là Hoàng Đế).

Ông làm vua xứ Nam Việt (bao gồm tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây thuộc Trung Quốc và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam ngày nay). Ông trị vị từ năm 207 TCN đến năm 137 TCN.

Sự Nghiệp Của Triệu Vũ Đế

Triệu Vũ Đế hay còn gọi là Triệu Đà từng là một võ tướng nhà Tần. Sau này nhà Tần diệt vong, ông tách ra xưng đế. Cuộc đời ông có nhiều sự kiện đáng để ta lưu ý.

Tần Thủy Hoàng giao trọng trách bình đình xuống Nam

Sau khi thống nhất 7 nước tranh hùng. Tạo nên một nhà nước Trung Quốc thống nhất vĩ đại. Tần Thủy Hoàng bắt tay bình định xuống phía Nam. Năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng cho Đồ Thư cùng 50 vạn quân tiến đánh vùng đất phía Nam. Sau khi chiếm được Lĩnh Nam, Đồ Thư tử trận. Sau đó, Tần Thủy Hoàng cho Nhâm Ngao cùng Triệu Đà đến cai trị vùng Lĩnh Nam.

Sau khi tới thủ phủ Long Xuyên nhậm chức, Triệu Đà áp dụng chính sách “hoà tập Bách Việt” đồng thời xin Tần Thủy Hoàng di dân 50 vạn người từ Trung Nguyên đến vùng này, tăng cường chính sách “Hoa Việt dung hợp” (hòa lẫn người Hoa Hạ và người Lĩnh Nam).

Chinh Phục Âu Lạc

Sử sách ghi lại rằng lần xâm phạm đầu tiên, Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên Du (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay) giao chiến với An Dương Vương bị thất bại và bỏ chạy. Triệu Đà lập mưu gả con trai là Trọng Thủy cho con gái An Dương Vương là Mỵ Châu để do thám bí mật về bố phòng quân sự của Âu Lạc để tiếp tục tiến hành âm mưu xâm lược.

Trong truyền thuyết Trọng Thủy – Mỵ Châu thì có tính ướt lệ và hoành tráng hơn. Triệu Đà cho con ở rể để cướp đoạt nỏ thần mà thần Kim Quy ban. Sau đó tiến công và chiến thắng nhà nước Âu Lạc.

Tách khỏi nhà Tần

Sau khi nhà Tần bị tiêu diệt, Trung Nguyên rơi vào cảnh rối ren. Năm 208 TCN, Nhâm Ngao bị bệnh nặng, nhường quyền hạn lại cho Triệu Đà. Triệu Đà cho quân xuống Lĩnh Nam canh giữ quân Trung Nguyên kéo xuống. Sau đó cho quân tiêu diệt các quan quân nhà Tần chống lại mình.

Quy phục nhà Hán

Trải qua chiến tranh thắng lợi, Lưu Bang thu phục được nhà nước Tây Hán vào năm 202 TCN. Để bảo tồn lực lượng sau chiến tranh.

Năm 196 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang sai quan đại phu Lục Giả đi sứ đến nước Nam Việt khuyên Triệu Đà quy phục nhà Hán.

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:

Vũ Vương vốn là người kiêu căng, có ý không muốn phục nhà Hán, đến khi Lục Giả sang đến nơi, vào yết kiến Vũ Vương, Vũ Vương ngồi xếp vành tròn, không đứng dậy tiếp.

Lục Giả thấy vậy mới nói rằng: “Nhà vua là người nước Tàu, mồ mả và thân thích ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua, nếu nhà vua kháng cự sứ thần, không làm lễ thụ phong, Hán đế tất là tức giận, hủy hoại mồ mả và giết hại thân thích của nhà vua, rồi đem quân ra đánh thì nhà vua làm thế nào?” Vũ Vương nghe lời ấy vội vàng đứng dậy làm lễ tạ, rồi cười mà nói rằng: “Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán Đế!”

Triệu Đà chịu nhận ấn tước Nam Việt Vương, quy thuận nhà Hán trên danh nghĩa.

Xưng Đế đối lập nhà Hán

Sau khi Lã Hậu lên nắm quyền chuyên chính (Đối với văn hóa Trung Hoa, Lã hậu cùng Võ Tắc Thiên và Từ Hi thái hậu là những người phụ nữ chuyên chính nổi bật nhất lịch sử Trung Quốc). Lã Hậu ra lệnh cấm vận với nước Nam Việt. Triệu Đà thấy Lã Hậu có thể qua nước Trường Sa [15] mà thôn tính Nam Việt. Thế là Triệu Đà bèn tuyên bố độc lập hoàn toàn khỏi nhà Hán, tự xưng “Nam Việt Vũ Đế” và cất quân đánh nước Trường Sa, chiếm được mấy huyện biên giới của Trường Sa mới chịu thôi.

Lã Hậu bèn sai đại tướng Long Lư hầu là Chu Táo đi đánh Triệu Đà. Quân lính Trung Nguyên không quen khí hậu nóng nực và ẩm thấp miền nam, ùn ùn đổ bệnh, ngay dãy núi Ngũ Lĩnh cũng chưa đi qua nổi. Một năm sau, Lã Hậu chết, mưu đồ đánh Triệu Đà của quân nhà Hán bỏ hẳn.

Lúc đó Triệu Đà dựa vào tiếng tăm tài quân sự của mình lừng lẫy cả vùng Lĩnh Nam, lại nhờ tài hối lộ của cải, làm cả Mân Việt và phía Tây nước Âu Lạc cũ ùn ùn quy thuộc Nam Việt. Lúc ấy nước Nam Việt bành trướng đến mức cực thịnh. Triệu Đà bắt đầu lấy tên uy Hoàng Đế mà ra lệnh ra oai, thanh thế ngang ngửa đối lập với nhà Hán.

Quy thuân nhà Hán một lần nữa

Năm 179 TCN, vua Hán sai người tu sửa mồ mả cha ông Triệu Đà, cắt đặt hàng năm đúng ngày thờ cúng, ban thưởng chức vụ và của cải cho bà con Triệu Đà còn ở trong đất Hán. Nghe thừa tướng Trần Bình tiến cử, Lưu Hằng sai Lục Giả, người từng được Hán Cao Tổ sai sứ đi Nam Việt nhiều lần, làm chức Thái Trung Đại Phu, lại đi thuyết phục Triệu Đà quy Hán. Lục Giả đến Nam Việt, lại trổ tài thuyết phục Triệu Đà. Triệu Đà nghe thuyết phục phải trái hơn thiệt, quyết định bỏ danh hiệu Đế, quy phục nhà Hán (nhưng vẫn tiếm hiệu xưng Hoàng Đế ở trong nước Nam Việt).

Sau đó Triệu Đà chết đi, con cháu tiếp tục được 4 đời vua Nam Việt, cho đến năm 111 trước Công Nguyên mới bị nhà Hán chiếm.

Triệu Hưng lên ngôi thay Triệu Ddaf, tức Triệu Ai Vương. Mẹ là Cù thái hậu tham chính. Hán Vũ Đế sai sứ giả An Quốc Thiếu Quý, vốn là người tình cũ của Cù thái hậu, sang thuyết phục Nam Việt nội phụ nhà Hán. Cù thái hậu lại cùng Thiếu Quý tư thông và muốn thuận theo nhà Hán, nhưng Thừa tướng người Việt là Lữ Gia phản đối. Năm 112 TCN, Lữ Gia đem quân đánh vào cung, giết chết Cù thái hậu và Triệu Ai Vương cùng An Quốc Thiếu Quý, lập anh của Triệu Ai Vương là Triệu Kiến Đức lên ngôi, tức là Triệu Thuật Dương Vương.

Năm 111 TCN, Hán Vũ Đế sai Dương Bộc, Lộ Bác Đức đem đại quân sang đánh. Vua Triệu là Thuật Dương Vương Kiến Đức và Thừa tướng Lữ Gia lần lượt đều bị bắt và bị hại (111 TCN). Dựa trên hệ thống các đền, miếu, đình, chùa thờ Lữ Gia, phu nhân và các tướng lĩnh của ông rải rác trên khắp vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, rất có thể cuộc kháng chiến chống nhà Tây Hán còn kéo dài đến năm 98 TCN. Sau khi Phiên Ngung thất thủ, Tây Vu Vương (thủ lĩnh đất tự trị Tây Vu với trung tâm là Cổ Loa đã nổi dậy chống lại nguy cơ Bắc thuộc lần 1 trước sự xâm lăng của nhà Tây Hán. Tả tướng Hoàng Đồng (黄同) của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đã giết chết Tây Vu Vương đang làm loạn để hàng Hán. Triều đại nhà Triệu chính thức kết thúc.

Những tranh luận về nhà Triệu và Triệu Đà

Nhà Triệu là một triều đại, hay một giai đoạn lịch sử gây nhiều tranh luận cho giới nghiên cứu sử học Việt Nam. Sử học Việt Nam từ trước đến nay đều có hai quan điểm trái ngược nhau:

Triệu Vũ Đế đánh bại An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt là chuyện nội bộ nước Việt, nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam. Nhà Triệu mất là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Triệu Đà là người phương Bắc, quê quán ở Trung Quốc (nay là tỉnh Hà Bắc, thuộc lưu vực sông Hoàng Hà ở Trung Quốc) theo lệnh Tần Thuỷ Hoàng đem di dân người Hoa Hạ (sau này gọi là người Hán) xuống vùng Lĩnh Nam, khi nhà Tần mất thì mới tách ra cát cứ, do đó Triệu Đà là kẻ ngoại bang đến xâm lược nước Âu Lạc. An Dương Vương mất nước là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Xoay quanh vấn đề Triệu Đà và nhà Triệu, mấu chốt là thế giới quan nhìn nhận của nhà sử học. Những người đề cao thuyết Thiên mệnh của Nho giáo (cho rằng ngôi vị là do “Trời định”, ai xưng đế ở vùng đất nào thì nghiễm nhiên được coi là vua, nắm giữ “Thiên Mệnh” của vùng đất đó, bất kể xuất thân thuộc dân tộc nào) thì sẽ nhìn nhận Triệu Đà là vua Việt Nam, đây là cách nhìn của nhiều sử gia Việt Nam thời phong kiến. Ngược lại, những nhà sử học có tư duy biện chứng về quốc gia – dân tộc, coi trọng nguồn gốc xuất thân, tính dân tộc của người cầm đầu chính quyền, bản chất của bộ máy quan lại nước Nam Việt (hầu hết quan lại Nam Việt là người Trung Hoa, còn người Việt là dân bị trị) và không công nhận thuyết “Thiên Mệnh” thì sẽ coi Triệu Đà là triều đại xâm chiếm của phương Bắc, đây là cách nhìn của các sử gia thời hiện đại.

Các tài liệu lịch sử của nhà Triệu thì cho thấy đến cuối đời, Triệu Đà đã quyết định bỏ việc xưng Đế, quy phục nhà Hán (nhưng vẫn xưng Hoàng Đế ở trong Nam Việt). Triệu Đà viết thư nhờ Lục Giả gửi cho vua Hán, trong thư Triệu Đà đã công nhận rằng mình là người Trung Hoa và nhà Triệu chỉ là chư hầu phục vụ cho nhà Hán, thay mặt vua Hán để cai trị phía Nam, bản thân ông ta cũng chỉ coi những thần dân người Việt là đám “Man Di” mà thôi chứ không coi họ ngang hàng với dân Trung Hoa.

Ý kiến công nhận nhà nước Triệu Đà

Từ khi giành lại quyền tự chủ, nhiều triều đại Việt đề cao vai trò lịch sử của Triệu Đà. Các bộ quốc sử Việt Nam soạn từ nhà Trần cho đến nhà Nguyễn đều chép nhà Triệu là một triều đại chính thống. Nhà Trần phong ông là Khai thiên Thế đạo Thánh vũ Thần triết Hoàng đế.

Bộ Đại Việt sử ký soạn bởi sử gia Lê Văn Hưu đời Trần. Ông so sánh Vũ Đế với các bậc vua hiền thời cổ như Thuấn, Văn Vương:
Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ, đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi.

Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.

An Nam chí lược soạn bởi Lê Tắc đời Trần có viết: Triệu Đà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hóa nhân dân một ít.

Điều này chứng tỏ Triệu Đà là người mang sự học đến Việt Nam từ trước chứ không phải Sĩ Nhiếp.

Bình Ngô đại cáo soạn bởi Nguyễn Trãi thay lời Bình Định Vương Lê Lợi sau khi bình xong quân Minh:

Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương.

Tức là:

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Hai câu này khẳng định nước Việt không những độc lập với phương Bắc mà còn xưng đế hiệu cùng một thời (nhà Triệu với nhà Hán), tỏ ra hoàn toàn ngang hàng (Tuy nhiên cũng có quan điểm khác cho rằng “Triệu” ở đây là chỉ Triệu Quang Phục, vua của nước Vạn Xuân, tuy nhiên Triệu Quang Phục chỉ xưng Vương chứ chưa xưng đế nên không thể ngang hàng với nhà Hán được)

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư soạn bởi Ngô Sĩ Liên, sử gia nhà Hậu Lê cũng dành cho Triệu Vũ Đế những lời tốt đẹp:

Truyện Trung Dung có câu: “Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu”. Vũ Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh Dịch nói: “Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua”. Vua chính hợp câu ấy.

Quốc sử quán triều Nguyễn thời vua Tự Đức vẫn ghi danh các vua Triệu như là tiền triều.

Khâm Định Việt sử thông giám cương mục có ghi lời phê:

Xét chung từ trước đến sau, đất đai của nước Việt ta bị mất về Trung Quốc đã đến quá một nửa, tiếc rằng vua sáng tôi hiền các triều đại cũng nhiều người lỗi lạc hiếm có ở trên đời, mà vẫn không thể nào lấy lại được một tấc, đó là việc đáng ân hận lắm! Thế mới biết việc thu hồi đất đai đã mất, từ đời trước đã là việc khó, chứ không những ngày nay mà thôi. Thật đáng thương tiếc.

Việt Nam sử lược soạn bởi Trần Trọng Kim (1919) viết nhà Triệu là chính thống, thuộc một chương riêng, thuộc thời tự chủ không phải Bắc thuộc (Phần I: Thượng Cổ thời đại. Chương IV: Nhà Triệu)

Ý kiến phủ nhận nhà nước Triệu Đà

Các tài liệu lịch sử của nhà Triệu thì cho thấy đến cuối đời, Triệu Đà đã quyết định bỏ danh hiệu Đế, quy phục nhà Hán (nhưng vẫn xưng Hoàng Đế ở trong Nam Việt). Triệu Đà viết thư nhờ Lục Giả gửi cho vua Hán, trong thư ông viết:

“Man Di đại trưởng lão phu, thần Đà, mạo muội đáng chết, hai lạy dâng thư lên Hoàng đế bệ hạ. Lão phu vốn là lại cũ ở đất Việt, Cao Đế ban cho ấn thao làm Nam Việt Vương. Hiếu Huệ Hoàng Đế lên ngôi, vì nghĩa không nỡ tuyệt nên ban cho lão phu rất hậu. Cao Hậu lên coi việc nước lại phân biệt Hoa – Di, ra lệnh không cho Nam Việt những khí cụ làm ruộng bằng sắt và đồng; ngựa, trâu, dê nếu cho thì cũng chỉ cho con đực, không cho con cái. Lão phu ở đất hẻo lánh, ngựa, trâu, dê đã già… Lại nghe đồn rằng, phần mộ của cha mẹ lão phu bị đập phá, anh em họ hàng đều bị giết.

Vì vậy, bọn lại bàn nhau rằng: “Nay bên trong không được phấn chấn với nhà Hán, bên ngoài không lấy gì để tự cao khác với nước Ngô”. Vì vậy mới đổi xưng hiệu là Đế, để tự làm Đế nước mình, không dám làm điều gì hại đến thiên hạ. Cao Hoàng Hậu nghe tin cả giận, tước bỏ sổ sách của Nam Việt, khiến cho việc sai người đi sứ không thông… Lão phu ở đất Việt 49 năm, đến nay đã ẵm cháu rồi, những vẫn phải dậy sớm, ngủ muộn, nằm không yên chiếu, ăn không biết ngon, mắt không trông sắc đẹp, tai không nghe tiếng chuông trống, chỉ vì không được làm bề tôi nhà Hán mà thôi. Nay may được bệ hạ có lòng thương đến, được khôi phục hiệu cũ, cho thông sứ như trước, lão phu dù chết xương cũng không nát. Vậy xin đổi tước hiệu, không dám xưng Đế nữa.”

Như vậy, Triệu Đà đã nhận rằng mình chỉ là phiên vương phục vụ cho nhà Hán, thay mặt vua Hán để cai trị phía Nam, bản thân ông cũng chỉ coi những thần dân người Việt là đám “Man Di” mà thôi.

Sử gia Hồ Sĩ Dương nhà Hậu Lê khi soạn lại Lam Sơn thực lục (1679) đã viết lời bình:

Vũ đế nhà Triệu cùng vua Hán đều tự làm vua nước mình, gồm có đất ở ngoài Ngũ Lĩnh, đóng đô ở Phiên Ngung, thật là vua anh hùng. Thế nhưng chẳng qua cũng là một người Tàu sang cai trị nước ta, chưa được chính thống…
Ngô Thì Sĩ, một thế kỷ sau, cuối đời Hậu Lê đã đánh giá vai trò của nhà Triệu trong Việt sử tiêu án, ông khẳng định nước Nam Việt là ngoại bang, Triệu Đà là kẻ ngoại tộc:

An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: “Kỷ Triệu Vũ Đế”. Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta.

Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Lưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.

Ngô Thì Sĩ kết luận: Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng.

Trong một bài viết trên báo Sông Hương năm 1936, Pham Quỳnh phản đối các sử gia phong kiến đã coi Triệu Đà là vua của Việt Nam. Theo ông, “quốc sử phải lấy dân tộc làm nền”, Triệu Đà là người Hán nên không thể coi là vua nước Việt, và “sử gia phong kiến tôn y (Triệu Đà) là ông vua khai quốc, ấy là đã làm một việc vô nghĩa…”.

Học giả Đào Duy Anh, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam(1957) cho rằng:

Nhà Triệu không phải là quốc triều, Triệu Đà chỉ là một tên giặc cướp nước, quan niệm của Lê Văn Hưu là quan niệm lịch sử phản dân tộc!

Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, tập I: Văn học dân gian (1961, PGS. Đỗ Bình Trị):

Thất bại của An Dương Vương do không đề phòng kẻ địch – thậm chí còn tin vào kẻ địch nham hiểm – là mặt thứ hai của bài học giữ nước.

Văn học dân gian Việt Nam (1962), GS.Đinh Gia Khánh viết:

Thần Nông lúc đầu vốn có trong thần thoại của Miêu tộc, dân tộc Hán sau này đã nhập vị thần này vào sổ bạ nhà thần Hán tộc; mặt khác, ông đánh giá Triệu Đà là kẻ ngoại xâm, kẻ gây ra tấn bi kịch nước mất, nhà tan cho cha con An Dương Vương.

Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1971,công trình tập thể không ghi tên các tác giả), được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam được xuất bản. Cuốn sách đã viết về Triệu Đà với cái nhìn thiếu thiện cảm:

Triệu Đà biết rằng không thể thắng được Âu Lạc về quân sự nên rút về núi Vũ Ninh, xin hòa với An Dương Vương. Hắn sai con trai là Trọng Thủy sang hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ. An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy ở gửi rể bên nước Âu Lạc. Đấy chính là mưu mẹo mà Triệu Đà dùng để chiếm nước Âu Lạc.

Trong những năm ở gửi rể, Trọng Thủy đã dò xét tình hình Âu Lạc, học phép chế nỏ và phá nỏ của người Âu Lạc rồi trốn về nước báo cho Triệu Đà. Kết hợp lực lượng quân sự và mưu mẹo gián điệp, lần này Triệu Đà thôn tính được nước Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự vẫn. Việc đó xảy ra vào khoảng năm 179 trước Công nguyên.

Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (1974), nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh nhận xét:

…Nếu dân tộc Âu Lạc đã thống nhất từ bên dưới thì xã hội Âu Lạc lại bắt đầu chia rẽ từ bên trên. Quyền lợi vật chất đã tập trung vào một dòng họ quý tộc. Dòng họ này sống bằng mồ hôi nước mắt và máu của nô tì lao dịch, co rúm vào trong nội thành, đã mất cảnh giác với kẻ thù lại không tin vào nhân dân, thậm chí nghe lời gièm pha của bọn gian thần mà hại cả kiệt tướng trung thần. Sự đối lập giai cấp và lẫn lộn bạn thù này tất phải mở đường cho cuộc xâm lược của cha con họ Triệu nòi Hán và kết thúc bằng số phận bi thảm của cha con vua Chủ (An Dương Vương và Mị Châu). Trong lúc đó thì quần chúng vẫn không nguôi hận thù đối với bọn cướp nước.

Văn học dân gian Việt Nam (1990, do GS. Lê Chí Quế chủ biên) và trong Văn học dân gian Việt Nam, tập 2 (của PGS. Hoàng Tiến Tựu), các tác giả đều xếp Triệu Đà vào hàng ngũ bọn xâm lược.

Phan Huy Lê, giáo sư lịch sử, trong lời giới thiệu cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2000) cho rằng:

Việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là một vương triều chính thống của Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng. Ông khẳng định Nam Việt là một nước cát cứ của một tập đoàn phong kiến, không phải là nước của người Việt Nam. Ông cho rằng việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là ” Man Di đại trưởng lão phu”, lấy vợ Việt, theo tục Việt…chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình…

Nhưng nhiều sử gia phong kiến đã không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam.

Tố Hữu làm thơ gọi họ Triệu là “giặc”, phê phán Mỵ Châu làm mất nước:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,
Trái tim lầm chỗ để trên đầu.
Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.

Quan điểm phủ nhận Triệu Đà hiện là quan điểm chính thống của giới sử học Việt Nam, được phản ảnh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học.

Quan điểm nhìn nhận

Vấn đề nguồn gốc của dòng vua

Xoay quanh vấn đề Triệu Đà và nhà Triệu, mấu chốt là do quan điểm nhìn nhận. Các sử gia không có xu hướng coi nặng việc tìm nguồn gốc Triệu Đà và bản chất dân nước Nam Việt sẽ nhìn nhận Triệu Đà là vua Việt Nam. Ngược lại những người coi trọng nguồn gốc xuất thân, dân tộc của người cầm đầu chính quyền, và bản chất dân nước Nam Việt thì sẽ có nhìn nhận khác.

Triệu Đà là người phương Bắc (đến từ phía Bắc sông Hoàng Hà, ngày nay là miền Bắc Trung Quốc), vốn là tướng nhà Tần, quê ở Chân Định (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay), mộ cha mẹ vẫn táng ở đấy.

Bên công nhận nhà Triệu cho rằng:

Nếu đặt ra vấn đề nguồn gốc của Triệu Đà, thì chính nguồn gốc của An Dương vương, gần đây cũng được nhiều nhà nghiên cứu nêu ra, sẽ không khác gì Triệu Đà. Theo một số công trình nghiên cứu gần đây (Lịch sử Việt Nam tập 1, Theo dòng lịch sử – nhiều tác giả) thì Thục Phán vốn gốc là dòng dõi người nước Thục ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) và sang xâm lược nước Văn Lang, tiêu diệt Hùng Vương[cần dẫn nguồn]. Nếu vậy, An Dương vương liệu còn là một triều đại Việt Nam không? Đi xa hơn nữa, nếu truy về nguồn cội tổ tiên, thì còn những trường hợp khác mà sử đã ghi, như Lý Nam đế (Lý Bí) có tổ 7 đời là người phương Bắc (Trung Hoa) vào Việt Nam, hoặc tổ tiên 5 đời của nhà Trần cũng vốn xuất thân từ đất Mân (Phúc Kiến – Trung Quốc) sang; tổ tiên của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật sang Việt Nam thời Dương Tam Kha (sử chép là thời Hậu Hán 947 – 950, tương đương Dương Bình vương) được phong chức ở châu Hoan…

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trên thế giới, việc một người nước ngoài làm vua không phải là không có. Chẳng hạn nước Nga vẫn ghi nhận vợ của Pyotr Đại đế là Ekaterina I, dù không phải là người Nga, nhưng được chồng cho thừa kế ngôi, là nữ hoàng như các nữ hoàng khác.

Tuy nhiên, những người phản bác cho rằng trường hợp nữ hoàng Ekaterina I của Nga cũng không thể so với Triệu Đà: một đàng chỉ một người ngoại quốc đã “nhập gia” quê chồng, còn triều đình, quân đội, ngôn ngữ vẫn là bản địa, đằng kia toàn bộ triều đình, quân đội, ngôn ngữ là dị biệt. Đặt giả định nếu nhà Tần không mất thì Triệu Đà sẽ không tách ra cát cứ, và cũng sẽ chẳng có nước Nam Việt mà đó chỉ là một quận của Trung Hoa mà thôi. Vai trò của Triệu Đà khi ấy sẽ chẳng khác gì những viên quan Thái thú triều đình phía Bắc khác đã cai trị Việt Nam suốt thời Bắc thuộc.

Theo tác giả Hà Văn Thùy, cuối thế kỷ 18, vua nước Xiêm là một người Trung Quốc tên Trịnh Quốc Anh từng kéo quân sang đánh Hà Tiên. Trong khi đó, Triệu Đà có vợ Trình Thị là người Đường Thâm, Giao Chỉ, nên các con cháu ông – các đời vua sau của nhà Triệu – đều có phần máu Việt. Cũng theo ông Hà Văn Thùy thì “đúng Triệu Đà là người Hán nhưng đất Nam Việt lúc đó hầu hết là người Việt, vì vậy không thể phủ nhận việc ông là vị vua đầu tiên của nước Nam Việt, ông vua khai sáng của Việt Nam chúng ta”.

Vấn đề “xâm lược” hay “thống nhất”

Những người phản đối tính chính thống của nhà Triệu, trong đó có Ngô Thì Sĩ, lập luận rằng Triệu Đà khởi phát ở bên ngoài lãnh thổ nước Việt, chiếm nước Việt làm quận huyện. Nước Nam Việt của Triệu Đà không phải nước Việt với ba vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam mà trong sử sách Việt Nam vẫn coi là lãnh thổ của mình. Do đó, nếu coi Triệu Đà là một vua Việt Nam thì giả thuyết này coi nước Việt Nam lúc ấy bao gồm cả các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, một phần của tỉnh Hồ Nam, Vân Nam, và Phúc Kiến của Trung Quốc bây giờ. Nếu không thì phải cho đây là một sự xâm lược.

Một số học giả lại không cho việc Triệu Đà sáp nhập vùng đất của Âu Lạc vào Nam Việt là xâm lược. Tác giả Hà Văn Thùy lập luận rằng “sự liên kết trong mỗi quốc gia còn lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Do đó, việc thôn tính các nước Sở, Ngô, Việt… để thành nước Tần không phải hành động xâm lược mà là công lớn thống nhất đất nước. Tương tự vậy, việc Triệu Đà chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là cuộc xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành môt nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc.” Học giả này đánh giá cao vai trò của nhà Triệu trong việc “tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt”, và cho rằng đó là “di sản quý báu nhất họ Triệu để lại cho người Việt”.

Theo một nghiên cứu của tác giả E Lusuo người Đài Loan về quá trình nhà Tần bình định vùng Nam Việt, vào thời nhà Tần, dân cư bên này hay bên kia biên giới Việt-Trung hiện đại là không thể phân biệt được. Một sự kiện lịch sử ủng hộ thuyết này đó là: cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cũng nhận được sự ủng hộ và tham gia của cư dân tại các quận Nam Hải, Hợp Phố mà nay thuộc địa phận Trung Quốc đã chiếm được 65 thành trì (Theo sách Hậu Hán Thư, chương 68: “Lịch sử về tộc Man Di phía Nam và Tây Nam” (Biographies of the Southern and the Southwestern Barbarians)); các học giả Trung Quốc gọi họ là người Lạc Việt, họ được cho là sử dụng cùng một ngôn ngữ.

Vấn đề chấp nhận triều đại ngoại tộc

Có người cho rằng quan điểm của các sử gia Việt Nam và Trung Quốc, một nước phong kiến khác tại châu Á, có sự khác nhau. Ở Trung Quốc, có nhiều triều đại, điển hình là Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều, nhà Nguyên, nhà Thanh đều xuất thân ngoại tộc, không phải người Hán, nhưng sử sách vẫn chép như những triều đại khác của Trung Quốc, không coi là thời kỳ bị nội thuộc Hung Nô hay Mông Cổ. Những triều đại này sử dụng tiếng Hán, nghi lễ tập tục trong triều đã Hán hóa khá nhiều. Thậm chí người Mãn đã Hán hóa đến mức ngày nay chỉ còn một số rất ít người già còn biết tiếng Mãn, còn lớp trẻ chỉ biết tiếng Hán, một phần người Mông Cổ hay người Mãn ngày nay là 2 trong số 56 dân tộc của Trung Quốc, tức là lịch sử của họ cũng có thể coi là một phần lịch sử quốc gia. Ngoài ra, đất đai của các triều đại này phần lớn là lãnh thổ Trung Quốc ngày nay.

Theo học giả Lê Thành Khôi thì mặc dù gốc Trung Hoa, Triệu Đà đã chịu đồng hóa với dân Nam Việt, mà ông chấp nhận các phong tục tập quán đến độ gần như quên cả quá khứ của mình

Vai trò của Nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam

PGS-TS Trương Sỹ Hùng đánh giá, Nhà Triệu nổi bật nhất trong khía cạnh bảo vệ độc lập, tự chủ của nước Nam Việt trước cường quốc phương Bắc là nhà Hán – khi đó mới thành lập sau khi Hán – Sở tranh hùng.

“Bên cạnh đó, ông (Triệu Đà) trả lời một câu rất hay là: Nhưng mà tôi vẫn đặt quan hệ đi lại, bang giao – tức là để quan hệ bang giao thuận lợi hơn, mà không để giãn cách. Tôi cho rằng, bài học đấy không những bây giờ, mà mãi mãi về sau này, bởi vì cái sự tồn tại, độc lập dân tộc của mỗi quốc gia là riêng. Còn vấn đề lúc va chạm nhau là chuyện giải quyết thắng thua, rành mạch, sòng phẳng, sau đó chúng ta lại phải giữ quan hệ với nhau hữu hảo, lâu dài.”

Nhà giáo Vũ Thế Khôi phân tích kỹ hơn, Nhà Triệu đã lập ra một quốc gia tự chủ cho người Việt, bằng cách tập hợp, thống nhất được sự đoàn kết của các sắc tộc cùng sinh sống trong lãnh thổ Nam Việt mà được gọi là “Hòa tập Bách Việt”. Nhà Triệu cũng khôn khéo trong chính sách “Trong Đế – Ngoài Vương” và cương quyết bảo vệ nền độc lập trước nhà Hán khi bị xâm chiếm.

“Để tồn tại được thì rất mềm mỏng, nhưng khi cần bảo vệ quốc gia thì cương quyết, không hèn nhát. Và chính vì thế, vương triều nhà Triệu cho đến bây giờ vẫn sống trong tâm thức người Việt. Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế.”

Bên cạnh đó, Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng, để tạo ra sự thống nhất, Triệu Vũ Đế đã đưa chữ Hán vào đời sống chính trị, xã hội Nam Việt khi đó, chứ không phải do quân đội nhà Tần mang đến.

“Trong khi chữ Việt cổ bị mai một từ lúc nào đấy do hoàn cảnh lịch sử. Mà bây giờ các học giả đã chứng minh là nó có, mà chính người Trung Hoa xây dựng chữ tượng hình của họ trên cơ sở chữ Việt cổ đó. Nhưng lúc bấy giờ chữ Việt cổ không còn được sử dụng rộng rãi nữa, thì ông ấy sử dụng luôn chữ Hán, để làm công cụ truyển tải trong chính quyền của ông ấy.”

Lịch sử Việt Nam thời kỳ dựng nước và bảo vệ nền độc lập từ ngày đầu còn nhiều điều mà hậu thế chưa rõ, và cả dân tộc này vẫn đang đi tìm hiểu lấp đầy những khoảng trống, giải quyết những khúc mắc.

PGS-TS Trương Sỹ Hùng cho biết, thời gian tới đây, các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát những di chỉ khảo cổ, tìm kiếm tài liệu, thư tịch cổ về Nhà Triệu không chỉ tại miền Bắc Việt Nam, mà còn cả ở Quảng Đông, Quảng Tây – những vùng đất của người Bách Việt xưa, trong lãnh thổ Nam Việt thời Triệu Đà.

Đền thờ Triệu Đà

Tượng thờ Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) đặt tại đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc có đền miếu thờ cúng ông. Đình thờ Thành hoàng Triệu Đà ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Xưa kia đây là nơi Triệu Đà cho xây dựng điện Long Hưng. Đình thờ cha mẹ và đền thờ của Triệu Đà ở xã Quang Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Đền Đồng Xâm ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Việt Nam thờ Triệu Đà và phu nhân Trình thi.Nhiều nơi xung quanh khu vực Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) như các làng Văn Tinh, Lực Canh (thuộc xã Xuân Canh), Thạc Quả (thuộc xã Dục Tú) thờ Triệu Đà.

Truyền thuyết dân gian vùng ven thành Cổ Loa kể lại khi đi đánh An Dương Vương. Triệu Đà đã cho thuyền ngược sông Hồng và cho đóng quân ở bến sông, nay là đoạn cuối làng Dâu (hay có tên khác là làng Lực Canh) và đầu làng Văn Tinh, nơi rất gần với ngã ba Dâu (nơi hợp lưu của sông Đuống và sông Hồng).

Tương truyền, làng Văn Tinh là nơi Triệu Đà đóng đại bản doanh còn dân làng Lực Canh chỉ làm nhiệm vụ như cắt cỏ ngựa, khuân vác, phục vụ cho quân đội. Vì thế, đình Văn Tinh được coi là nơi thờ chính còn các nơi khác chỉ là nơi thờ vọng. Lễ hội làng Văn Tinh được tổ chức từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 hàng năm để tưởng nhớ Triệu Đà. Ngày 7 tháng 3, nhân dân làng Lực Canh rước tượng Trọng Thủy đến Văn Tinh với ý nghĩa con về thăm cha.

Miếu Nam Việt Vương ở thị trấn Đà Thành, huyện Long Xuyên, địa cấp thị Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thờ Thành hoàng Triệu Đà. Miếu được xây dựng từ thời nhà Thanh.

Quyển thơ sử với đầu đề “Lịch sử nước ta” do Hồ Chí Minh viết tay (do Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản năm 1942) cũng đã có đoạn viết:

Triệu Đà là vị hiền quân
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời.

Quan điểm chính thống hiện nay của Việt Nam coi nhà Triệu là triều đại của ngoại bang, thời kỳ Bắc thuộc (bị Trung Hoa đô hộ) được tính từ thời nhà Triệu, nhưng lại có ngoại lệ là cuốn Niên biểu Việt Nam, tiếp theo nhà Thục, kê rõ nhà Triệu với đầy đủ các đời vua, tiếp theo là đến “Thời kỳ đấu tranh chống phong kiến Trung Hoa thống trị lần thứ nhất” tính từ năm 111 TCN.

Trong bảng tra cứu niên hiệu các đời vua Việt Nam cũng liệt kê niên hiệu Kiến Đức của Thuật Dương Vương, vua cuối cùng nhà Triệu (thật ra Kiến Đức là tên húy của ông vua này). Ngoại lệ này có lẽ do sách niên biểu cốt để phục vụ việc tra cứu, trong khi nhiều sử sách xưa của Việt Nam coi nhà Triệu là một triều đại Việt Nam.

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
QR Code
en: malformed 'create-qr-code' API request. Please consider the API documentation at http://goqr.me/api/doc/create-qr-code/ de: ungültige 'create-qr-code'-API-Anfrage. Bitte beachten Sie die API-Dokumentation unter http://goqr.me/de/api/doc/create-qr-code/
Bài Viết Mới
Quản lý Bàn Đại Việt
05 Edit trạng thái bàn 04 Edit trạng thái bàn 03 Edit trạng thái bàn 02 Edit trạng thái bàn…
Parallax Scrolling Effect - Ha Long Bay - Elementor
Heading 1 Heading Scrolling Heading 2 Heading Scrolling
Bẫy tự tin - Làm sao vượt qua và tìm thấy sự tự tin thật sự
Bẫy tự tin - Làm sao vượt qua và tìm thấy sự tự tin thật sự
Dường như không thể thành công nếu không có mức độ tự tin nhất định. Tuy nhiên, làm sao bạn…